Thương ba mẹ

Con thương ba mẹ, cả đời hy sinh vất vả. Mẹ có ngại gì chợ búa đêm khuya. Những ngày hè nắng miền Trung cháy da thịt, hun nóng cả mặt nhựa đường, mười tiếng một ngày mẹ ngồi ngoài đường buôn bán. Những ngày đông rét buốt, gió bấc rít trên những mái nhà. Mẹ con dậy từ bốn giờ sáng chuẩn bị cho buổi chợ sớm, một mình mẹ giữa con đường vắng đầy sương trong khi con vô tâm cuộn mình trong chăn ấm biếng lười. Hè này con về nhà, chiếc xe của mẹ cũ lắm rồi mỗi lần nổ máy mẹ phải đạp đến đứt hơi, lưng mẹ lại thêm đau uống thuốc mãi vẫn không khỏi. Xe mẹ cũ lắm rồi tiếng bịch vang lên không dứt mỗi khi chạy, có lần xe lên dốc bỗng nhiên tắt máy làm mẹ ngã lăn ra đương, thịt, cá, rau, củ dập nát, may mà mẹ không sao. Con bảo mẹ mua xe mới, mẹ nói xe vẫn còn chạy được, mẹ dành tiền đó để lo cho con ăn học, lúc đó con lại thấy mình vô dụng giá như con đủ lớn để đỡ đần cho mẹ, giá như con kiếm được thật nhiều tiền để mẹ con thôi vất vả. Mỗi lần bàn tay mẹ ôm lấy khuôn măặt con, mỗi khi tay con đan trong lòng bàn tay mẹ con cảm nhận được sự chai sần, thô ráp. Con yêu sao đôi bàn tay mẹ, đôi bàn tay quanh năm bám mùi thịt cá, con yêu cả mùi mồ hôi mặn chát, yêu vết chân chim nơi khóe mắt, yêu giọng nói dịu hiền, yêu cả cái cách mẹ luôn nhẹ nhàng khuyên bảo mỗi lúc con sai. Trọn đời này làm sao con trả được ơn mẹ hiền.

Ba con luôn nghiêm khắc, hay đánh mắng và chẳng bao giờ nói lời yêu thương. Con đã từng giận ba nhiều lắm, đôi lúc con ghét ba và ước gì ba đừng là ba của con. Con ước giá như ba hiền từ và tâm lý như những ông bố trong phim. Rồi ngày con rớt đại học, con thấy ba chẳng đánh mắng, la rầy. Ngày con quyết định nộp NV2 vào một trường ĐH bất chấp ba ngăn cấm, con thấy ba im lặng, buông xuôi và bất lực. Ngày con học xa đau ốm bệnh tật, con thấy ba gọi điện dặn dò, giọng nói lo lắng và run run như sắp bật khóc. Ba chẳng bao giờ thể hiện ba chỉ âm thầm thương yêu con cái. Ba đánh mắng vì con lười ăn nhưng khi con khóc ba thịt con gà mái tơ duy nhất của nhà. Ba bắt con quỳ xơ mít, đánh sưng bàn tay mỗi khi con hư nhưng rồi âm thầm như thế ba bảo mẹ lấy dầu xoa bóp cho con. Ngày con về sống với ông bà những ngày ba về thăm con, đêm đến con thấy ba ôm con vào lòng ấm áp.

Con lớn lên biết nói cảm ơn khi được giúp đỡ và xin lỗi khi làm việc sai trái. Vậy mà chưa bao giờ nói được một tiếng cảm ơn ba mẹ. Ai sinh thành dạy dỗ, ai lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ, ai thức suốt đêm thâu mỗi khi con đổ bệnh lúc trái gió trở trời, ai luôn yêu thương và lo lắng, con đi xa ai nhớ, con buồn ai thương.

Tại sao lại thương yêu con nhiều đến thế, mẹ bảo vì con là con của mẹ, không thương con thì thương ai. Tình mẹ cha là thế đối với con cái mẹ cha có tiếc gì, cả đời hy sinh, mẹ bảo đồng tiền mẹ kiếm ra cũng chỉ vì con cái, chứ ba mẹ già rồi sống sao mà chả được. Ba bảo chẳng cần con sau này đưa ba đi ăn nhà hàng, mua sâm nhung tổ yến, áo quần lụa là. Chỉ cần con sống hạnh phúc, có công ăn việc làm ổn định là ba mẹ mãn nguyện lắm rồi. Con đi làm xa nhà mỗi khi nản lòng hay vấp ngã lại nhớ về ba mẹ để cố gắng mà đứng lên.

Mùa nối mùa, năm nối năm thành vòng tuần hoàn bất tận. Cỏ cây có sinh sôi rồi úa tàn, con người có vòng luân hồi sinh diệt, chỉ có tình thương của mẹ cha là tồn tại mãi mãi chẳng bao giờ nhạt phai. Hôm nay con đến chùa đốt nén nhang cầu mong mẹ cha đời đời bình an. Trời đã vào thu đêm nay trăng tròn vành vạnh, con nhớ cãi chõng tre con và ba thường nằm ngắm trăng, con nhớ khoảng sân trước nhà với hàng cây xào xạc. Giờ con đi làm xa, chẳng thể ở bên ôm ba vào lòng như những ngày thơ bé, chẳng thể nắm đôi tay khô gầy của mẹ mà hít hà mùi da thịt.

Khi còn nhỏ, con như cây non dựa vào mẹ cha mà lớn lên. Khi cha mẹ về già con sẽ là thân cây cao đầy nhựa sống bên mẹ cha mỗi mùa mưa bão. Hãy tin ở con ba mẹ nhé.

“Chắp tay khấn nguyện ông trời

Cầu cho Cha Mẹ trọn đời bình yên

Chẳng còn lo lắng ưu phiền

Chẳng còn đau khổ triền miên tháng ngày

Cầu mong đức Phật dang tay

Chở che Cha Mẹ khỏi đắng cay đời người

Cho Cha Mẹ lấy lại nụ cười

Cho Cha Mẹ mãi suốt đời bên con!”

 

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>